Tổng
cục Hải quan mới đây đã ký Quyết định số 1616/QĐ-TCHQ ban hành Kế hoạch hành động
đẩy mạnh cải cách hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu
hàng hóa trong và sau dịch bệnh Covid-19.
Trong thời gian qua, đại dịch Covid-19
đã ảnh hưởng nặng nề đến hầu hết các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, tình hình
kinh doanh, sản xuất của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn; nhiều doanh nghiệp
phải tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng, hoạt
động mua bán trao đổi ngoại thương giữa Việt Nam và các nước bị gián đoạn.
Nhằm chia sẻ, tháo gỡ khó khăn
cho sản xuất kinh doanh và tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần
nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, ngày 19/6/2020, Tổng cục Hải quan đã ký
Quyết định số 1616/QĐ-TCHQ ban hành Kế hoạch hành động đẩy mạnh cải cách hành
chính, hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa trong và sau
dịch bệnh Covid-19.
Theo đó, Tổng cục Hải quan sẽ thực
hiện đồng bộ, toàn diện các giải pháp cải cách hành chính, trọng tâm gồm xây dựng
nền đạo đức công vụ, ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, gây phiền hà sách nhiễu;
đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện kinh
doanh, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; rút ngắn thời gian thông quan
hàng hóa, hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà
nước; cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Cụ thể, Tổng cục Hải quan tổ chức
triển khai các giải pháp vừa tạo thuận lợi thương mại vừa đảm bảo công tác
phòng chống dịch bệnh Covid-19 bao gồm: Chủ động thực hiện các giải pháp tháo gỡ
khó khăn trong quá trình làm thủ tục hải quan đảm bảo công khai, minh bạch,
khách quan, phù hợp với quy định của pháp luật; Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho
doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực hải
quan; Nghiêm cấm các hành vi gây khó khăn, phiền hà, sách nhiễu hoặc có các biểu
hiện tiêu cực, hạch sách, đòi hỏi tổ chức, cá nhân phải nộp, xuất trình các chứng
từ, nộp các khoản phí, lệ phí không đúng quy định của pháp luật, làm chậm quá
trình thông quan hàng hóa, gây thiệt hại hoặc làm phát sinh, các chi phí cho
doanh nghiệp. Cục Hải quan các tỉnh có chung đường biên giới đất liền với Trung
Quốc, Lào, Campuchia phối hợp với các lực lượng chức năng tại cửa khẩu tiếp tục
duy trì các giải pháp vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch, vừa đảm bảo hoạt động
thông quan hàng hóa, tránh ùn tắc hàng hóa tại cửa khẩu.
Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan
yêu cầu thực hiện hiệu quả các giải pháp về công nghệ thông tin để hỗ trợ người
khai hải quan, người nộp thuế; kết nối trao đổi thông tin với các Bộ, ngành khi
giải quyết thủ tục hành chính. Thực hiện rà soát hoàn thiện cơ sở pháp lý, quy
trình thủ tục hải quan như: đơn giản hóa bộ hồ sơ hải quan, cách thức nộp hồ sơ
hải quan thông qua việc bãi bỏ quy định nộp các chứng từ không cần thiết, các
chứng từ đã có trên Cổng Thông tin điện tử của các bộ, ngành hoặc trên Cổng
Thông tin một cửa quốc gia; hạn chế việc nộp các chứng từ dưới dạng bản chính
là bản giấy; chỉ yêu cầu nộp, xuất trình lần đầu đối với các chứng từ phải xuất
trình cho cơ quan hải quan khi làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu...
Đối với hoạt động kiểm tra sau
thông quan, thanh tra chuyên ngành, Tổng cục Hải quan tạm dừng hoạt động kiểm
tra đánh giá tuân thủ pháp luật của người khai hải quan trong năm 2020. Đối với
trường hợp thanh tra chuyên ngành, kiểm tra sau thông quan theo dấu hiệu vi phạm
và thanh tra, kiểm tra trên cơ sở áp dụng quản lý rủi ro, công chức kiểm tra phải
nêu rõ dấu hiệu vi phạm, dấu hiệu rủi ro và được sự phê duyệt của lãnh đạo đơn
vị. Nếu doanh nghiệp có ý kiến đề nghị, giải trình cụ thể, xin chưa thực hiện
thanh tra, kiểm tra do khó khăn trong sản xuất, kinh doanh vì ảnh hưởng của dịch
bệnh Covid-19 thì lãnh đạo đơn vị xem
xét, quyết định từng trường hợp cụ thể.
Tổng cục Hải quan cũng đề ra các
giải pháp để thực hiện đầy đủ, có hiệu quả các nội dung thuộc chức năng, nhiệm
vụ của Tổng cục Hải quan trong các Hiệp định Thương mại song phương, đa phương
giữa Việt Nam và các quốc gia, vùng lãnh thổ, không làm ảnh hưởng đến chuỗi
cung ứng hàng hóa, đặc biệt là trong bối cảnh cả thế giới đang chịu ảnh hưởng của
dịch bệnh Covid-19. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền các chế độ, chính sách, văn
bản quy phạm pháp luật đến cộng đồng doanh nghiệp.
Trong hoạt động hành chính nội bộ,
Tổng cục Hải quan khuyến khích các đơn vị áp dụng hình thức họp trực tuyến, giảm
các loại báo cáo, áp dụng báo cáo phi giấy tờ, chỉ đạo điều hành qua các thiết
bị trực tuyến trên cơ sở đảm bảo an ninh, an toàn.
Về tổ chức thực hiện Kế hoạch
này, các đơn vị thuộc và trực thuộc cơ quan Tổng cục cụ thể hóa nhiệm vụ được
giao và kế hoạch thực hiện vào chương trình công tác trọng tâm năm 2020 của đơn
vị.
Kế hoạch đặt ra các mục tiêu, yêu cầu cụ thể, bao
gồm:
1. Tiếp tục cải cách cơ chế, chính sách, thủ tục
hành chính liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước về hải quan đối với hàng
hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; người và phương tiện vận tải xuất cảnh,
nhập cảnh, quá cảnh.
2. Hoàn thiện thể chế, cơ sở pháp lý và quy trình
thủ tục hải quan đảm bảo công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho người dân,
doanh nghiệp, cũng như việc phối kết hợp giữa cơ quan hải quan và các cơ quan
quản lý nhà nước khác trong quá trình giải quyết thủ tục hải quan tại cửa khẩu.
3. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc:
(i) Trao đổi, phối hợp cung cấp thông tin giữa cơ quan hải quan với các cơ
quan nhà nước có liên quan khác khi giải quyết thủ tục hành chính; (ii) Gửi,
tiếp nhận và trả kết quả thực hiện thủ tục hành chính, giải đáp vướng mắc của
doanh nghiệp, của các tổ chức, cá nhân.
4. Đảm bảo thực hiện đầy đủ, có hiệu quả các Hiệp
định Thương mại song phương, đa phương giữa Việt Nam và các quốc gia, vùng
lãnh thổ, không làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng hàng hóa, đặc biệt là trong
bối cảnh cả thế giới đang chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
5. Phối hợp với các Bộ, ngành trong việc thực hiện
các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp theo chỉ đạo của
Chính phủ khi thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực thuế, hải
quan.
|