Ngày
8/10/2018, Tổng cục Hải quan đã tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến Quý III/2018,
phương hướng, giải pháp thực hiện nhiệm vụ Quý IV/2018. Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai
tham dự hội nghị và phát biểu chỉ đạo.
Tại hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng
cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn đã điều hành và chỉ đạo trực tiếp đối với các tham
luận báo cáo của đại diện các Cục, Vụ trực thuộc Tổng cục Hải quan, lãnh đạo
các Cục hải quan tỉnh, thành phố về các nội dung, nhiệm vụ trọng tâm của ngành.
Cụ thể là báo cáo công tác Quý III/2018, phương hướng, giải pháp thực hiện nhiệm
vụ Quý IV/2018; các giải pháp tăng cường thu và chống thất thu ngân sách nhà nước
đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách năm 2018; công tác kiểm soát quản lý
hàng phế liệu nhập khẩu; triển khai mở rộng Đề án giám sát, quản lý hải quan cảng
biển, cảng hàng không …
Đại diện các đơn
vị trực thuộc Tổng cục Hải quan báo cáo tại hội nghị.
Theo số liệu báo cáo, tổng thu
NSNN 9 tháng đầu năm 2018 của ngành Hải quan đạt 225.116 tỷ đồng, đạt 79,54% dự
toán, đạt 76,83% chỉ tiêu phấn đấu, tăng 5,21% so với cùng kỳ 2017. Lũy kế cả năm đến ngày 03/10/2018 đạt 229.244
tỷ đồng bằng 81,0% dự toán, bằng 78,24% chỉ tiêu phấn đấu (293.000 tỷ đồng),
tăng 6,47% so với cùng kỳ năm 2017.
Đạt được kết quả trên, hội nghị
đánh giá về nguyên nhân chủ quan là do ngành Hải quan đã quyết liệt triển khai
nhiều giải pháp như: ban hành chỉ thị số 555/CT-TCHQ ngày 26/1/2018 của Tổng cục
trưởng Tổng cục Hải quan về việc triển khai nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm
2018 và giao chỉ tiêu phấn đấu thu NSNN tới từng Cục Hải quan tỉnh, thành phố;
đồng thời ban hành hàng loạt các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ về xử lý nợ thuế
quá hạn, quy trình quản lý nợ thuế và các khoản thu khác; chỉ đạo các Cục Hải
quan tỉnh, thành phố đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường phối hợp
thu với ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia hoạt động
xuất nhập khẩu theo tinh thần Nghị quyết số 01/NQ-CP và số 19-2018/NQ-CP; chỉ đạo
các đơn vị tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp, đẩy mạnh công
tác kiểm tra, xác định trị giá, phân loại, xuất xứ hàng hóa và tích cực kiểm tra các trường hợp
miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế theo quy định.
Về yếu tố khách quan góp phần
tăng thu, kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước 9 tháng qua đạt hơn 352 tỷ USD,
tăng hơn 13% so với cùng kỳ. Cụ thể, kim ngạch XNK có thuế đạt 79,42 tỷ USD, tăng 14,3% so với cùng kỳ
năm 2017, trong đó, kim ngạch nhập khẩu có thuế đạt 74,7 tỷ USD, tăng 15% so với
cùng kỳ năm trước. Một nguyên nhân khác góp phần tăng số thu 9 tháng qua so với
dự toán và so với cùng kỳ năm 2017 là do tăng thu từ mặt hàng xăng dầu và dầu
thô nhập khẩu.
Số thu 9 tháng đầu năm của mặt
hàng xăng dầu nhập khẩu đạt 25.381 tỷ đồng, tăng 19.500 tỷ đồng so với dự toán
và tăng 4.776 tỷ đồng (tương ứng tăng 23,53%) so với cùng kỳ năm trước. Số thu
của mặt hàng dầu thô nhập khẩu đạt 3.672 tỷ đồng, giảm 1.348 tỷ đồng so với dự
toán, tuy nhiên vẫn tăng 2.677 tỷ đồng (tương ứng tăng 269%) so với cùng kỳ năm
trước.
Về triển khai mở rộng Đề án giám
sát, quản lý hải quan cảng biển, cảng hàng không đối với hàng hóa XNK tại cảng
biển, cảng hàng không, cửa khẩu đường bộ đến các kho, bãi, cảng nội địa, địa điểm
kiểm tra hàng hóa tập trung, kho ngoại quan, đến ngày 30/11/2018 sẽ hoàn thành
việc triển khai Hệ thống VASSCM trên phạm vi toàn quốc với các chức năng quản
lý chi tiết theo mặt hàng về những thay đổi hình thái hàng hóa, chủ sở hữu hàng
hóa trong quá trình lưu giữ tại kho ngoại quan; đẩy mạnh việc hướng dẫn cho DN về chuẩn thông
điệp khai báo, trao đổi thông tin với cơ quan hải quan đối với các địa điểm chịu
sự giám sát hải quan (kho CPN, địa điểm tập kết hàng hóa,…), chuẩn hóa quy
trình nghiệp vụ giám sát tại các địa điểm chịu sự giám sát hải quan (kho CPN, địa
điểm tập kết hàng hóa,…). Tiếp tục hoàn thiện chuẩn thông điệp kết nối, trao đổi
thông tin giữa DN với cơ quan Hải quan. Đối với các cảng hàng không, kho hàng
không, nâng cấp phiên bản 1.6 (bổ sung cơ chế phản hồi 2 chiều, phương thức
truy vấn thông tin,...).
Về công tác kiểm soát quản lý
hàng phế liệu NK, để ngăn chặn và phòng ngừa các hành vi vi phạm, cơ quan Hải
quan đã chủ động, tích cực triển khai các biện pháp quản lý, kiểm tra, giám sát
chặt chẽ đối với mặt hàng phế liệu nhập khẩu, trong đó tăng cường công tác kiểm
tra, kiểm soát; quản lý chặt chẽ đối với mặt hàng phế liệu và các mặt hàng có đặc
trưng là phế liệu NK; Tiến hành điều tra xác minh các DN có dấu hiệu vi phạm
trong NK phế liệu. Bên cạnh đó, để đảm bảo công tác quản lý nhà nước về hải
quan đối với phế liệu NK và đảm bảo thực hiện đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng
Chính phủ tại Chỉ thị số 27/CT-TTg về quản lý phế liệu NK, Cục Giám sát quản lý
về hải quan đã đề xuất cơ quan Hải quan sẽ thực hiện kiểm tra và lập Phiếu theo
dõi trừ lùi Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong NK phế liệu
làm nguyên liệu sản xuất, kiểm tra Giấy xác nhận ký quỹ bảo đảm phế liệu NK trước
khi cho phép dỡ hàng là phế liệu từ tàu xuống cảng.
Quyết tâm thu
ngân sách đạt 300 nghìn tỷ đồng
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ
Tài chính Vũ Thị Mai đã biểu dương, ghi nhận những nỗ lực của ngành Hải quan đạt
được trong 9 tháng qua, đặc biệt là một số lĩnh vực: thu ngân sách đạt khá, góp
phần giúp Bộ Tài chính trong công tác cân đối thu – chi ngân sách nhà nước;
hoàn thành khối lượng văn bản chính sách lớn; chống buôn lậu, gian lận thương mại
đạt nhiều chiến công…
Thứ trưởng Bộ
Tài chính Vũ Thị Mai phát biểu tại hội nghị.
Đối với công tác thu ngân sách,
Thứ trưởng đồng tình với các giải pháp thu ngân sách của ngành Hải quan đề ra
và lưu ý đến các giải pháp thu hồi nợ thuế, chống thất thu qua trị giá tính thuế,
chống gian lận hoàn thuế…
Đối với công tác xây dựng văn bản
hoàn thiện chính sách, Thứ trưởng chỉ đạo, ngành Hải quan khẩn trương hoàn
thành các đề án lớn trong tháng 10 để Bộ Tài chính xem xét trình Chính phủ quyết
định ban hành liên quan đến việc thúc đẩy các bộ, ngành tăng tốc kết nối Cơ chế
một cửa quốc gia và một cửa ASEAN; sửa đổi bổ sung Nghị định 68/2016/NĐ-CP liên
qua đến việc cắt giảm và đơn giản hóa điều kiện kinh doanh cho doanh nghiệp
(DN) tinh thần Nghị quyết 19/2018/NQ-CP và Chỉ thị số 20/CT-TTg…
Thứ trưởng Vũ Thị Mai cũng lưu ý,
Tổng cục Hải quan quan tâm đến việc giám sát, quản lý phế liệu nhập khẩu theo
chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 27/CT-TTg về giải pháp cấp bách
tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu NK
làm nguyên liệu sản xuất.

Tổng cục trưởng
Nguyễn Văn Cẩn phát biểu tại hội nghị.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thứ
trưởng,Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn đã nêu ra một số yêu cầu
đối với các đơn vị trong ngành trong việc triển khai nhiệm vụ của ngành trong 3
tháng cuối năm.
Trong thực hiện nhiệm vụ thu
NSNN, Tổng cục trưởng yêu cầu lãnh đạo các Cục hải quan, lãnh đạo các Chi cục hải
quan và lãnh đạo cấp tổ, đội tập trung chỉ đạo đơn vị bám sát các giải pháp thu
NSNN tại chỉ thị của Tổng cục trưởng trên tinh thần tạo thuận lợi thương mại,
kiểm soát các yếu tố liên quan đến số thu NSNN để triển khai các nhiệm vụ thu
ngân sách trong những tháng còn lại của năm 2018. Theo đó, năm 2018 ngành Hải
quan sẽ quyết tâm thu ngân sách đạt 300 nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh việc triển khai các giải
pháp thu, Tổng cục trưởng cũng yêu cầu lãnh đạo các đơn vị xử lý nghiêm CBCC thừa
hành và lãnh đạo đơn vị trực tiếp nếu không thực hiện đúng các hướng dẫn tại
các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ của Tổng cục Hải quan.
Chỉ đạo về triển khai Hệ thống hải
quan tự động, Tổng cục trưởng cho biết, Tổng cục Hải quan đang tích cực chỉ đạo,
tập trung xử lý triệt để mọi phát sinh bằng mọi nguồn lực như đầu tư trang thiết
bị, hoàn thiện hệ thống phần mềm để tạo thuận lợi tối đa cho DN và đảm bảo công
tác quản lý.