Chiều
ngày 6/7/2017, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai và Thứ trưởng Bộ Công Thương
Trần Quốc Khánh đồng chủ trì cuộc họp bàn về các giải pháp thúc đẩy triển khai
Cơ chế một cửa quốc gia trong lĩnh vực quản lý của Bộ Công Thương.
Theo
báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, hiện nay đã có 5 thủ tục hành chính
thuộc phạm vi quản lý đã thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, bao gồm: cấp giấy
chứng nhận xuất xứ ưu đãi (C/O); nhập khẩu tự động xe mô tô phân khối
lớn; cấp phép nhập khẩu các chất làm suy giảm tầng ô-dôn; cấp giấy phép xuất
nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp; chứng nhận quy trình Kimberley đối với kim
cương thô được kết nối một cửa.
Đối
với thủ tục cấp giấy chứng nhận xuất xứ ưu đãi, Bộ Công Thương đã kết nối
kỹ thuật thành công C/O mẫu D điện tử trên Cơ chế một cửa ASEAN với 4 nước:
Indonesia, Malaisia, Thái Lan, Singapore. Số lượng C/O mẫu D được gửi qua Cơ
chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN trong năm 2017 là 44.871 hồ sơ (số
lượng hồ sơ trực tuyến từ lúc triển khai là 156.279 hồ sơ).
Về
tổ chức thực hiện theo Quyết định số 2185/QĐ-TTg ngày 14/11/2016 của Thủ tướng
Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch tổng thể triển khai Cơ chế một cửa quốc
gia và Cơ chế một cửa ASEAN giai đoạn 2016-2020, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với
Tổng cục Hải quan triển khai trong năm 2017 thêm 6 thủ tục sau: Cấp phép xuất
nhập khẩu tiền chất sử dụng trong lĩnh vực công nghiệp; cấp phép xuất nhập khẩu
tiền chất thuốc nổ; khai báo hóa chất nhập khẩu; nhập khẩu thuốc lá vì mục đích
phi thương mại; thủ tục đề nghị cấp văn bản chấp nhận tham gia thí điểm tự
chứng nhận xuất xứ trong ASEAN; thủ tục thông báo chỉ tiêu nhập khẩu nguyên
liệu thuốc lá, giấy cuốn điếu thuốc lá.
Tại
cuộc làm việc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Công Bình đã đánh
giá cao tinh thần phối hợp của các đơn vị thuộc Bộ Công Thương trong việc hợp
tác triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN, cũng như đơn
giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực quản lý theo yêu cầu tại
Quyết định 2026/QĐ-CP. Bên cạnh kết quả đã đạt được, Phó Tổng cục trưởng cũng
đề nghị Bộ Công Thương đẩy nhanh tiến độ kết nối, tiếp tục rà soát và đơn
giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Nhiều thủ tục kiểm tra chuyên ngành của
Bộ Công Thương còn chồng chéo với Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn gây khó khăn cho doanh nghiệp và cơ quan hải quan trong quá trình ra quyết
định thông quan hàng hóa.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh chia sẻ các
giải pháp, kết quả đạt được trong công tác triển khai cơ chế một cửa.
Về
đề nghị của đại diện Tổng cục Hải quan, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần
Quốc Khánh cho biết, hiện nay bộ đã đưa 6 thủ tục chuẩn bị kết nối trên hệ
thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công Thương và có kế hoạch triển khai kết
nối 3 thủ tục lên Cơ chế một cửa quốc gia trong quý III và 3 thủ tục còn lại
trong quý IV năm 2017, đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu đề ra.
Liên
quan đến đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành, theo yêu cầu của Quyết
định 2026/QĐ-CP, Bộ Công Thương được giao nghiên cứu sửa đổi bổ sung 10 văn
bản. Thời gian qua, các đơn vị chức năng của bộ đã thường xuyên phối hợp với
Tổng cục Hải quan rà soát, hoàn thành được 8/10 văn bản.
Như
quy định về dán nhãn năng lượng, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư
36/2016/TT-BCT thay thế Thông tư 07/2012/TT-BCT đã thay đổi phương thức chứng
nhận cho phương tiện thiết bị, thông thoáng cho doanh nghiệp trong việc thực
hiện thủ tục dán nhãn năng lượng. Theo đó, Bộ Công Thương đã áp dụng hình thức
để doanh nghiệp tự công bố mức hiệu suất năng lượng và dán nhãn năng lượng trên
phương tiện sản xuất, xuất khẩu; doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm về chất lượng
sản phẩm công bố. Đồng thời, cho phép doanh nghiệp sử dụng kết quả thử nghiệm
hiệu suất năng lượng một lần đối với mỗi model sản phẩm, áp dụng cho tất cả các
sản phẩm hàng hóa sản xuất trong nước cũng như các lô hàng nhập khẩu có cùng
model, cùng nhà sản xuất, xuất xứ...
Tại
cuộc làm việc, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai bày tỏ sự phấn khởi khi lãnh
đạo Bộ Công Thương đồng thuận, ủng hộ Bộ Tài chính về các giải pháp đẩy nhanh
tiến độ thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN, đơn
giản thủ tục kiểm tra chuyên ngành.
Chia
sẻ khó khăn của Bộ Công Thương, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết, để đảm bảo tiến
độ triển khai, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu các giải pháp về kinh phí
hỗ trợ các bộ, ngành, trong đó có Bộ Công Thương. Theo Chỉ thị 27 vừa được
Chính phủ ban hành cuối tháng 6/2017 về việc đẩy mạnh tiến độ, nâng cao hiệu
quả thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi
thương mại, Chính phủ đã giao cho Bộ Tài chính chủ trì việc đầu tư hạ tầng công
nghệ thông tin, đảm bảo kinh phí đầy đủ, kịp thời cho các bộ, ngành.
Để
chủ động việc triển khai, Thứ trưởng đề nghị Bộ Công Thương phối hợp với Tổng
cục Hải quan tham mưu phương án, kế hoạch đầu tư công nghệ thông tin kết nối Cơ
chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN trong thời gian tới, để có thời gian
thực hiện đấu thầu, đưa vào dự toán ngân sách theo đúng quy định của nhà nước.
Thứ trưởng Vũ Thị Mai đánh
giá cao sự hợp tác, phối hợp của Bộ Công Thương.